Scan barcode
A review by anhlpham78
Fear and Trembling by Søren Kierkegaard
Sợ hãi và run rẩy
Lần đầu tiên mình biết đến câu chuyện kinh thánh về tổ phụ Abraham hiến tế người con trai độc nhất Isaac nhằm chứng minh lòng tin vào Thiên Chúa là cách đây hơn 10 năm qua tác phẩm Triết học hiện sinh của giáo sư Trần Thái Đỉnh. Cảm xúc trong lần đầu tiếp xúc đó có lẽ phần nào cũng giống như tên của tác phẩm mà Soren Kierkegaard viết dưới bút danh Johannes de silentio nhằm ca ngợi đức tin của Abraham: Fear and Trembling. Sợ hãi, sốc, sững sờ và run rẩy.
Sau hơn 10 năm, cảm giác sốc và sững sờ vẫn còn đó. Trên tất cả, có lẽ mình không bao giờ có thể hiểu được logic của một người tin rằng ông được yêu cầu hiến dâng cho Chúa người con trai độc nhất nhưng trong mọi giây phút, mọi thời điểm vẫn luôn có một lòng tin tuyệt đối rằng Chúa sẽ hồi sinh Isaac, trao trả lại cho ông một Isaac toàn vẹn và hoàn hảo hơn cả ban đầu. Một lòng tin bất chấp mọi logic, mọi suy luận, hay như Johannes de silentio lặp đi lặp lại, một lòng tin hoàn toàn dựa trên sự phi lý (by virtue of the absurd). Ai có thể hiểu được Abraham, đặc biệt trong một xã hội hiện đại đề cao lý tính và nhìn nhận lòng tin tôn giáo như một điều gì đó ngây thơ chất phác và mù quáng, tàn dư của một xã hội chưa phát triển. de Silentio nhắc lại nhiều lần rằng ông không thể hiểu nổi Abraham, rằng ước muốn duy nhất của ông chỉ là được đồng hành Abraham và Isaac trong chuyến đi 4 ngày lên đỉnh núi Moriah nơi cuộc hiến tế diễn ra, rằng ông nhiều lần suy nghĩ và tưởng tượng câu chuyện về Abraham, mỗi lần theo một cách khác nhau, với các phiên bản khác nhau giúp ông có thể hiểu được suy nghĩ của Abraham, nhưng đồng nghĩa với sự thay đổi trong các phiên bản đó là việc Abraham không còn là hiệp sĩ của đức tin (The knight of faith).
Thế kỷ 19, khoảng thời gian mà Kierkegaard sinh sống là thời điểm thịnh hành của triết học Hegel, triết học đề cao suy luận logic, cho rằng sự phát triển đạt được khi các cực mâu thuẫn hòa hợp để tạo ra trạng thái cân bằng. Hegel đề cao đạo đức luân lý, đề cao vai trò của tổ chức xã hội và nhà nước, xem nhẹ vai trò của độc lập của từng cá thể. Chạy theo các cảm xúc dục vọng cá nhân luôn là điều dễ dàng, tuân thủ các quy tắc luật lệ của tổ chức nhà nước, hòa mình vào đám đông thể chế xã hội mới là điều các cá nhân cần hướng tới và đạt được trong cuộc đời. Qua tác phẩm Fear and Trembling, Kierkegaard hay Johannes de silentio dường như dùng câu chuyện của Abraham để tranh luận điều ngược lại. Tuân thủ các quy tắc luật lệ của nhà nước, hành động dựa trên lợi ích chung của xã hội chắc chắn là một điều tuyệt vời, trên tất cả, luôn tạo cảm giác an toàn và chắc chắn vì có được sự hậu thuẫn của luân lý, sự thấu hiểu và thông cảm của toàn xã hội. Ai có thể không thán phục và thương cảm cho số phận của người anh hùng phải hy sinh gia đình con cái vì lợi ích chung của toàn thể vương quốc? Nhưng vĩ đại hơn và kinh sợ hơn, theo de Silentio, là những cá thể sau khi đã thấu hiểu rõ và đã hành động dựa trên các giá trị luân lý và đạo đức, quyết định đứng một mình, thực sự như một cá thể độc lập. Abraham từng giây từng phút một phải đối diện với sự không chắc chắn, sự bấp bênh, sự run rẩy vì không hề có sự hậu thuẫn nào từ đạo lý thông thường cho quyết định của ông. Ai có thể hiểu và thương cảm cho Abraham khi ông quyết định hi sinh đứa con độc nhất không vì bất cứ lợi ích chung gì cho đất nước hay xã hội mà chỉ để chứng minh lòng tin vào Thiên Chúa? Abraham yêu quý đứa con độc nhất Isaac hơn bất cứ người cha nào có thể yêu quý con mình, ước rằng giá mà thử thách của Chúa dành cho ông chỉ là việc phải yêu quý Isaac hơn cả bản thân. Một điều ông có thể hoàn thành một cách dễ dàng và tự nhiên. Trên thực tế, ông phải sợ hãi và run rẩy từng giây từng phút trước thử thách hiến tế Isaac để chứng minh lòng tin với Chúa, nhưng cũng từng giây từng phút một tuyệt đối tin tưởng rằng Chúa sẽ hồi sinh hoặc trao trả lại Issac cho ông, một niềm tin hoàn toàn chỉ dựa trên sự phi lý (by virtue of the absurd). Bởi, nếu có thể chứng minh bằng lập luận logic thông thường một cách chắc chắn, người ta đâu cần đến đức tin. Vì khi đã có sự hậu thuẫn chắc chắn của logic, người ta không còn phải đối mặt với nỗi bấp bênh, với sự sợ hãi và run rẩy từng giây từng phút một. Đức tin, với de Silentio, vì vậy là điều tuyệt vời nhất, vượt trên suy luận logic. Đức tin không phải là một thứ cảm xúc sơ khai của con người trong một xã hội chưa phát triển. Trái lại, đức tin là trạng thái tâm linh của một cá thể, sau khi đã hoàn thành các yêu cầu đạo đức luân lý của xã hội, nay bị thử thách phải chịu chông gai và tai ương hoàn toàn một mình, phải nếm trải cảm giác sợ hãi và run rẩy trong sự cô độc tuyệt đối.
Không dễ để bị thuyết phục bởi lập luận của Johannes de silentio (Kierkegaard) trong cuốn sách. Nhưng ít nhất có lẽ người đọc có thể đồng ý với tác giả rằng, thường khi nhắc đến cuộc đời của các bậc anh hùng, người ta thường chỉ tập trung vào kết quả của câu chuyện, vào các thành tựu vĩ đại. Cái mà người ta thường hay bỏ sót là sự bấp bênh không chắc chắn, sự sợ hãi và run rẩy mà các anh hùng phải đối mặt khi quyết định hành động và hành động. Điều làm các anh hùng trở nên vĩ đại không hẳn là vì kết quả của việc làm của họ. Điều làm họ trở nên vĩ đại là vì họ đã quyết định hành động bất chấp sự mơ hồ không chắc chắn, bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp sự không rõ ràng về kết quả. Chúng ta ca ngợi các anh hùng qua kết quả của việc làm của họ. Đối với chúng ta mọi việc đều rõ ràng và chắc chắn vì kết quả đã được biết. Chúng ta đọc sách về các anh hùng chỉ mong lướt nhanh đến cái kết, thậm chí bỏ qua đoạn giữa để biết trước luôn kết thúc. Chúng ta không chịu nổi cảm giác bấp bênh, chúng ta không chịu nổi sự mơ hồ lấp lửng, dù chỉ trong vòng vài phút hay vài tiếng. Chỉ có các anh hùng mới là người thực sự trải qua nỗi sợ hãi và run rẩy từng giây từng phút một. Người ta ca ngợi Abraham như thể ông có con đàn cháu đống, mà quên đi rằng ông chỉ có Isaac là người con độc nhất, mà quên đi rằng ông và người vợ Sarah chỉ có được Isaac khi đã gần 100 tuổi, khi mà mọi hi vọng có con nối dõi dường như đã bị dập tắt, khi mà chính Sarah đã tuyệt vọng thì Abraham vẫn tuyệt đối nguyên vẹn một đức tin. Người ta ca ngợi Abraham cứ như thể hành trình từ nhà của Abraham lên đỉnh núi Moriah không phải dài gần bốn ngày trên chiếc xe lừa, mà chỉ diễn ra vài giây. Một giây để đi từ nhà lên đỉnh núi, một giây để mài dao, một giây để đốt đuốc, một giây để thiên thần ngừng tay vung dao của Abraham và cứu Isaac. Bốn giây để toàn bộ câu chuyện về đức tin kết thúc. Người ta ca ngợi Abraham mà quên rằng câu chuyện về đức tin của Abraham kéo dài gần 100 năm và bốn ngày du hành đằng đẵng với nỗi sợ hãi và run rẩy sống động trong từng khoảnh khắc.
Philippians 2:12-13: “Therefore, my dear friends, as you have always obeyed – not only in my presence, but now much more in my absence – continue to work out your salvation with fear and trembling"
Lần đầu tiên mình biết đến câu chuyện kinh thánh về tổ phụ Abraham hiến tế người con trai độc nhất Isaac nhằm chứng minh lòng tin vào Thiên Chúa là cách đây hơn 10 năm qua tác phẩm Triết học hiện sinh của giáo sư Trần Thái Đỉnh. Cảm xúc trong lần đầu tiếp xúc đó có lẽ phần nào cũng giống như tên của tác phẩm mà Soren Kierkegaard viết dưới bút danh Johannes de silentio nhằm ca ngợi đức tin của Abraham: Fear and Trembling. Sợ hãi, sốc, sững sờ và run rẩy.
Sau hơn 10 năm, cảm giác sốc và sững sờ vẫn còn đó. Trên tất cả, có lẽ mình không bao giờ có thể hiểu được logic của một người tin rằng ông được yêu cầu hiến dâng cho Chúa người con trai độc nhất nhưng trong mọi giây phút, mọi thời điểm vẫn luôn có một lòng tin tuyệt đối rằng Chúa sẽ hồi sinh Isaac, trao trả lại cho ông một Isaac toàn vẹn và hoàn hảo hơn cả ban đầu. Một lòng tin bất chấp mọi logic, mọi suy luận, hay như Johannes de silentio lặp đi lặp lại, một lòng tin hoàn toàn dựa trên sự phi lý (by virtue of the absurd). Ai có thể hiểu được Abraham, đặc biệt trong một xã hội hiện đại đề cao lý tính và nhìn nhận lòng tin tôn giáo như một điều gì đó ngây thơ chất phác và mù quáng, tàn dư của một xã hội chưa phát triển. de Silentio nhắc lại nhiều lần rằng ông không thể hiểu nổi Abraham, rằng ước muốn duy nhất của ông chỉ là được đồng hành Abraham và Isaac trong chuyến đi 4 ngày lên đỉnh núi Moriah nơi cuộc hiến tế diễn ra, rằng ông nhiều lần suy nghĩ và tưởng tượng câu chuyện về Abraham, mỗi lần theo một cách khác nhau, với các phiên bản khác nhau giúp ông có thể hiểu được suy nghĩ của Abraham, nhưng đồng nghĩa với sự thay đổi trong các phiên bản đó là việc Abraham không còn là hiệp sĩ của đức tin (The knight of faith).
Thế kỷ 19, khoảng thời gian mà Kierkegaard sinh sống là thời điểm thịnh hành của triết học Hegel, triết học đề cao suy luận logic, cho rằng sự phát triển đạt được khi các cực mâu thuẫn hòa hợp để tạo ra trạng thái cân bằng. Hegel đề cao đạo đức luân lý, đề cao vai trò của tổ chức xã hội và nhà nước, xem nhẹ vai trò của độc lập của từng cá thể. Chạy theo các cảm xúc dục vọng cá nhân luôn là điều dễ dàng, tuân thủ các quy tắc luật lệ của tổ chức nhà nước, hòa mình vào đám đông thể chế xã hội mới là điều các cá nhân cần hướng tới và đạt được trong cuộc đời. Qua tác phẩm Fear and Trembling, Kierkegaard hay Johannes de silentio dường như dùng câu chuyện của Abraham để tranh luận điều ngược lại. Tuân thủ các quy tắc luật lệ của nhà nước, hành động dựa trên lợi ích chung của xã hội chắc chắn là một điều tuyệt vời, trên tất cả, luôn tạo cảm giác an toàn và chắc chắn vì có được sự hậu thuẫn của luân lý, sự thấu hiểu và thông cảm của toàn xã hội. Ai có thể không thán phục và thương cảm cho số phận của người anh hùng phải hy sinh gia đình con cái vì lợi ích chung của toàn thể vương quốc? Nhưng vĩ đại hơn và kinh sợ hơn, theo de Silentio, là những cá thể sau khi đã thấu hiểu rõ và đã hành động dựa trên các giá trị luân lý và đạo đức, quyết định đứng một mình, thực sự như một cá thể độc lập. Abraham từng giây từng phút một phải đối diện với sự không chắc chắn, sự bấp bênh, sự run rẩy vì không hề có sự hậu thuẫn nào từ đạo lý thông thường cho quyết định của ông. Ai có thể hiểu và thương cảm cho Abraham khi ông quyết định hi sinh đứa con độc nhất không vì bất cứ lợi ích chung gì cho đất nước hay xã hội mà chỉ để chứng minh lòng tin vào Thiên Chúa? Abraham yêu quý đứa con độc nhất Isaac hơn bất cứ người cha nào có thể yêu quý con mình, ước rằng giá mà thử thách của Chúa dành cho ông chỉ là việc phải yêu quý Isaac hơn cả bản thân. Một điều ông có thể hoàn thành một cách dễ dàng và tự nhiên. Trên thực tế, ông phải sợ hãi và run rẩy từng giây từng phút trước thử thách hiến tế Isaac để chứng minh lòng tin với Chúa, nhưng cũng từng giây từng phút một tuyệt đối tin tưởng rằng Chúa sẽ hồi sinh hoặc trao trả lại Issac cho ông, một niềm tin hoàn toàn chỉ dựa trên sự phi lý (by virtue of the absurd). Bởi, nếu có thể chứng minh bằng lập luận logic thông thường một cách chắc chắn, người ta đâu cần đến đức tin. Vì khi đã có sự hậu thuẫn chắc chắn của logic, người ta không còn phải đối mặt với nỗi bấp bênh, với sự sợ hãi và run rẩy từng giây từng phút một. Đức tin, với de Silentio, vì vậy là điều tuyệt vời nhất, vượt trên suy luận logic. Đức tin không phải là một thứ cảm xúc sơ khai của con người trong một xã hội chưa phát triển. Trái lại, đức tin là trạng thái tâm linh của một cá thể, sau khi đã hoàn thành các yêu cầu đạo đức luân lý của xã hội, nay bị thử thách phải chịu chông gai và tai ương hoàn toàn một mình, phải nếm trải cảm giác sợ hãi và run rẩy trong sự cô độc tuyệt đối.
Không dễ để bị thuyết phục bởi lập luận của Johannes de silentio (Kierkegaard) trong cuốn sách. Nhưng ít nhất có lẽ người đọc có thể đồng ý với tác giả rằng, thường khi nhắc đến cuộc đời của các bậc anh hùng, người ta thường chỉ tập trung vào kết quả của câu chuyện, vào các thành tựu vĩ đại. Cái mà người ta thường hay bỏ sót là sự bấp bênh không chắc chắn, sự sợ hãi và run rẩy mà các anh hùng phải đối mặt khi quyết định hành động và hành động. Điều làm các anh hùng trở nên vĩ đại không hẳn là vì kết quả của việc làm của họ. Điều làm họ trở nên vĩ đại là vì họ đã quyết định hành động bất chấp sự mơ hồ không chắc chắn, bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp sự không rõ ràng về kết quả. Chúng ta ca ngợi các anh hùng qua kết quả của việc làm của họ. Đối với chúng ta mọi việc đều rõ ràng và chắc chắn vì kết quả đã được biết. Chúng ta đọc sách về các anh hùng chỉ mong lướt nhanh đến cái kết, thậm chí bỏ qua đoạn giữa để biết trước luôn kết thúc. Chúng ta không chịu nổi cảm giác bấp bênh, chúng ta không chịu nổi sự mơ hồ lấp lửng, dù chỉ trong vòng vài phút hay vài tiếng. Chỉ có các anh hùng mới là người thực sự trải qua nỗi sợ hãi và run rẩy từng giây từng phút một. Người ta ca ngợi Abraham như thể ông có con đàn cháu đống, mà quên đi rằng ông chỉ có Isaac là người con độc nhất, mà quên đi rằng ông và người vợ Sarah chỉ có được Isaac khi đã gần 100 tuổi, khi mà mọi hi vọng có con nối dõi dường như đã bị dập tắt, khi mà chính Sarah đã tuyệt vọng thì Abraham vẫn tuyệt đối nguyên vẹn một đức tin. Người ta ca ngợi Abraham cứ như thể hành trình từ nhà của Abraham lên đỉnh núi Moriah không phải dài gần bốn ngày trên chiếc xe lừa, mà chỉ diễn ra vài giây. Một giây để đi từ nhà lên đỉnh núi, một giây để mài dao, một giây để đốt đuốc, một giây để thiên thần ngừng tay vung dao của Abraham và cứu Isaac. Bốn giây để toàn bộ câu chuyện về đức tin kết thúc. Người ta ca ngợi Abraham mà quên rằng câu chuyện về đức tin của Abraham kéo dài gần 100 năm và bốn ngày du hành đằng đẵng với nỗi sợ hãi và run rẩy sống động trong từng khoảnh khắc.
Philippians 2:12-13: “Therefore, my dear friends, as you have always obeyed – not only in my presence, but now much more in my absence – continue to work out your salvation with fear and trembling"